Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, hệ xương cơ thể người giữ vai trò hỗ trợ và cho phép chúng ta di chuyển cũng như thực hiện các hoạt động một cách dễ dàng. Hơn nữa, hệ thống xương cũng giúp bảo vệ tim, não bộ và các cơ quan khác khỏi bị tổn thương.
Nhìn chung, xương có xu hướng thay đổi liên tục, xương mới sẽ được tạo ra và thay thế cho phần xương cũ bị mất đi. Ở những người trẻ tuổi, tốc độ tạo xương mới nhanh hơn so với quá trình phân huỷ, đồng thời khối lượng xương cũng tăng nhanh chóng. Nhưng khi tuổi tác ngày càng cao, mật độ xương của bạn có thể bị giảm sút và dễ mắc bệnh loãng xương
Loãng xương là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi. Việc giảm khối lượng khiến cho xương yếu hơn và kém khả năng chịu đựng các tác động của trọng lượng hay va đập. Đó là lý do tại sao ngã có thể dễ dàng gây chấn thương, gãy xương cho người cao tuổi.
Để giữ gìn sức khỏe hệ xương khớp, đặc biệt là ngăn ngừa và làm chậm quá trình mất xương, bạn có thể thực hiện một số hoạt động sau đây:
1. Chế độ ăn uống đầy đủ những dưỡng chất cần thiết cho xương
Canxi là khoáng chất quan trọng nhất đối với sức khỏe xương khớp. Đối với người cao tuổi, quá trình hủy xương diễn ra mạnh hơn quá trình tạo xương, lượng canxi mất qua nước tiểu tăng lên, đặc biệt là ở giai đoạn mãn kinh nên nhu cầu canxi cần bổ sung cũng tăng lên.
Ngoài ra, những dưỡng chất quan trọng không kém cho quá trình tạo xương là: Vitamin D3, Protein, Vitamin K2, Magie, Kẽm, Collagen, Omega-3.
2. Tạo lập thói quen hoạt động thể chất hàng ngày
Tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn làm chậm quá trình mất xương và ngăn ngừa nguy cơ loãng xương. Những hoạt động thể thao phù hợp cho người lớn tuổi bao gồm: Đi bộ nhanh, đạp xe tại chỗ, bơi lội, thể dục dưỡng sinh, nâng tạ tay, yoga cho người cao tuổi.
3. Duy trì cân nặng ổn định, khỏe mạnh
Trên thực tế, trọng lượng cơ thể thấp cũng là yếu tố chính góp phần làm giảm mật độ xương và mất xương ở nhóm tuổi này. Nhưng ngược lại, béo phì có thể làm giảm chất lượng xương và tăng nguy cơ gãy xương do sức nặng của trọng lượng cơ thể quá mức. Do đó, duy trì cân nặng ổn định ở mức khỏe mạnh là cách tốt khi nói đến việc bảo vệ sức khỏe xương khớp của mỗi người.
4. Tầm soát loãng xương sớm
Lực lượng y tế dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến cáo nên sàng lọc, tầm soát loãng xương tất cả phụ nữ từ 65 tuổi trở lên. Bệnh loãng xương gây ra nhiều hậu quả nặng nề, làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân. Vì vậy, mỗi người nên áp dụng các biện pháp điều trị dự phòng loãng xương kể trên để có một bộ xương chắc khỏe - nền tảng cho khả năng vận động dẻo dai, sức khỏe tốt và tuổi thọ cao.
Tóm lại, mật độ xương sẽ giảm sút khi tuổi tác càng cao. Cần giữ gìn và tăng cường sức khỏe hệ xương khớp bằng cách ăn uống phù hợp, tập thể dục đầy đủ, xây dựng những thói quen tốt khác. Việc áp dụng những chiến lược này càng sớm, sức khỏe của xương càng được duy trì lâu dài.