Ốm nghén thường kéo dài từ tuần 6-12 của thai kỳ, xuất hiện nhiều triệu chứng khi mẹ mang thai ở tuần 8-10. Dù đây là khoảng thời gian có thể gây mệt mỏi, theo các chuyên gia y tế, cơn ốm nghén là dấu hiệu tốt của việc các hormone đang hoạt động ổn định, em bé đang phát triển mạnh trong bụng mẹ.
Tập hợp các nghiên cứu tại Mỹ và Israel về sự liên quan giữa các triệu chứng ốm nghén trong thai kỳ cho thấy, phụ nữ đã từng sảy thai ít nhất một lần, bị buồn nôn và nôn trong tuần thai thứ 8 có nguy cơ sẩy thai thấp hơn 50%. Các chuyên gia của nhóm nghiên cứu cũng cho biết do cơ địa mỗi cá nhân là khác nhau, một số mẹ bầu sẽ không gặp phải triệu chứng của chứng ốm nghén sáng. 80% phụ nữ mang thai thường bị buồn nôn, nghén trong 4 tháng đầu của thai kỳ.
Hormone thai kỳ hCG tăng cao trong quá trình mang thai được các chuyên gia y tế cho biết là nguyên nhân chính gây ra chứng ốm nghén ở mẹ bầu. Do đó, đợt nghén thường xảy ra nặng hơn ở mẹ mang song thai hoặc đa thai. Nồng độ hormone cơ thể mẹ lúc này cao hơn so với mẹ mang đơn thai. Hiện tượng nghén hoặc chán ăn cũng được các chuyên gia lý giải, là cách cơ thể người mẹ đang phản ứng để bảo vệ em bé trong bụng khỏi vi khuẩn đến từ môi trường bên ngoài.
Tuy nghén gây ra cảm giác chán ăn, mẹ bầu được khuyến nghị hãy siêng ăn uống để giúp giảm ốm nghén. Bụng đói có thể khiến triệu chứng trầm trọng hơn. Mẹ chia nhỏ các bữa ăn nhỏ, ăn đồ ăn nhẹ để hỗ trợ dịu cơn buồn nôn. Một số mẹ bầu sẽ cảm thấy dễ chịu với mùi vị của các món ăn vị nhạt, như ăn bánh mì nướng, nhấm nháp trà, uống nước trái cây, uống nước lọc. Các mẹ có thể chuẩn bị, dùng món ăn nhẹ ngay lúc vừa dậy giấc sáng, uống đủ nước để duy trì trao đổi chất cho cơ thể.
Uống nước ép trái cây giúp bổ sung nước và vitamin thiết yếu cho mẹ bầu
Cơn ốm nghén có thể diễn ra vào cả buổi chiều, buổi tối hoặc có một số mẹ bị nghén cả ngày. Cụm từ "ốm nghén sáng" xuất phát từ thực tế, các mẹ thường cảm thấy buồn nôn nặng vào giấc sáng, khi vừa thức dậy. Các mẹ nên nhờ hỗ trợ y tế nếu vẫn bị ốm nghén sau 4 tháng đầu thai kỳ và bị nôn mửa nghiêm trọng. Đây có thể là chứng buồn nôn kéo dài, xảy ra ở 0,5-2% phụ nữ mang thai trên thế giới.
Bệnh lý có thể gây mất nước nghiêm trọng ở mẹ bầu và cần hỗ trợ theo dõi y tế xuyên suốt. Theo Tổ chức về các bệnh rối loạn hiếm gặp quốc gia (Mỹ), hầu hết các mẹ bầu gặp phải trường hợp này thường khỏi bệnh trước tuần thai 20. 22% trong số các bà bầu mắc bệnh lý này vẫn đối mặt với triệu chứng đến khi kết thúc thai kỳ. Các mẹ từng gặp phải bệnh lý này có thể bị mắc lại ở lần mang thai sau. Một số yếu tố nguy cơ có thể gây tăng mắc chứng buồn nôn dai dẳng như: di truyền, mang thai lần đầu, mẹ mang song thai hoặc đa thai, mẹ bầu thừa cân, mẹ mang thai khi còn quá trẻ.
Nếu cảm thấy buồn nôn và nôn mửa nặng, mẹ mang thai nên nhờ hỗ trợ từ người thân để theo dõi y tế. Các mẹ bị giảm hơn 2kg, ốm nghén ở tháng thứ 4 thai kỳ, nôn ra máu hoặc nôn có màu nâu, bí tiểu hoặc có triệu chứng cảm cúm, mất nước nên liên hệ cấp cứu y tế kịp lúc để điều trị, an tâm có một thai kỳ khỏe mạnh.