Tết về, mỗi gia đình làm nhiều món ngon để cúng ông bà, đãi khách và gia đình sum vầy cùng nhau ăn uống. Trong những ngày này, cuộc sống người bệnh tiểu đường sẽ bị xáo trộn vì nhiều lí do như: ăn uống không khoa học, ngủ không đúng giấc, quên uống thuốc hoặc thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến sức khỏe. Những điều này không tốt cho người bệnh tiểu đường vì lượng đường trong máu họ có thể tăng cao hơn, hậu quả là nguy cơ biến chứng tiểu đường tăng lên. Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam thống kê cả nước có khoảng 5 triệu người bị tiểu đường. Thông tin này một lần nữa nhắc nhở người bệnh tiểu đường cẩn trọng khi dịp Tết đến Xuân về.
Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh tiểu đường nên lựa chọn thực phẩm một cách thông minh để lượng đường trong máu vẫn được kiểm soát tốt trong những ngày Tết. Sau đây là một số “tip” có thể giúp cân bằng dinh dưỡng một cách hợp lý.
1. Ăn uống cân bằng, hợp lý các nhóm chất dinh dưỡng
Để đảm bảo năng lượng hoạt động trong một ngày cũng như tăng sức đề kháng của cơ thể, thực đơn ngày Tết cho người tiểu đường vẫn phải đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm. Tuy nhiên, cần lưu ý:
- Nhóm tinh bột: Người bệnh nên hạn chế ăn bánh chưng, bánh tét, nếu ăn thì nên chọn cỡ nhỏ và nhân ít thịt mỡ, nên ăn mì, bún thay cho cơm, xôi, bánh chưng.
- Nhóm đạm: Hạn chế ăn các món chứa nhiều mỡ như thịt đông, thịt kho tàu, phủ tạng động vật. Nên ăn nhiều thịt nạc hơn.
- Nhóm rau, củ, quả, chất xơ: Nên ăn nhiều loại rau xanh và củ chứa nhiều chất xơ như bông cải xanh, bí ngô, đậu, măng tây, cà rốt, hành tây. Hoa quả thì nên lựa chọn bưởi, dâu tây, đào, táo, cam, đu đủ…, hạn chế các loại củ quả có lượng tinh bột hay đường cao.
- Nhóm ăn vặt, đồ uống: Cà phê, kẹo, socola, các loại mứt, hạt dưa, hạt bí nên ăn số lượng ít, nên chuyển qua bánh mặn và bánh kẹo dành riêng cho người đái tháo đường. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường tốt nhất không nên ăn nhóm thực phẩm này.
2. Không nên bỏ bữa để tránh bị hạ đường huyết
- Không nên bỏ bữa để tránh bị hạ đường huyết. Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, không ăn quá no và phải đầy đủ dinh dưỡng.
- Không ăn bánh kẹo, mứt vào lúc đói, thay vào đó nên ăn ngũ cốc nguyên chất, sữa không đường. Không nên uống nước ngọt có ga vì làm tăng nhanh đường huyết.
- Hạn chế uống rượu, bia vì rượu có thể gây tăng hoặc hạ đường huyết do ngăn cản quá trình tổng hợp glycogen và ảnh hưởng đến chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa
3. Thời điểm dùng bữa
- Vào những ngày Tết, bữa ăn chính của nhiều gia đình thường bị đảo lộn như: tiếp khách, ăn vặt nhiều, không ăn, ăn trễ, ăn sau đêm giao thừa, trước khi đi ngủ ….
- Người bệnh tiểu đường nên kiên trì chế độ ăn lành mạnh, ăn uống đúng vào thời gian cố định như ngày bình thường, không nên ăn theo sự thay đổi bữa ăn của gia đình.
4. Chế biến món ăn phù hợp với người bệnh
- Người bệnh tiểu đường nên ăn món luộc, hầm xương cho các món canh, hạn chế ăn các món chiên, xào.
- Người bệnh cũng có thể ăn giò nạc, giò bò, các loại nem rán nhưng với lượng vừa phải, ăn nhiều rau củ.
5. Cách ăn hợp lý
- Ăn những phần nhỏ hơn: Trong ngày Tết có nhiều món ăn chứa nhiều tinh bột, người bệnh cần để ý phần ăn, lấy mỗi thứ một phần nhỏ để tổng lượng tinh bột nạp vào cơ thể ngày Tết tương đương với ngày bình thường, tránh ăn quá nhiều gây tăng đường huyết.
- Ăn chậm rãi, từng chút một: Người bệnh nên ăn chậm rãi, từng chút một với các món ăn phù hợp theo khẩu phần trong ngày. Các món ăn cần đảm bảo không làm thay đổi quá nhiều lượng đường huyết.
Ngoài chăm lo cho chế độ ra, người bệnh vẫn phải luôn sinh hoạt cá nhân một cách điều độ như tập thể dục, uống thuốc đúng giờ, đầy đủ, tự cân bằng giờ giấc sinh hoạt và chú ý ứng phó với thời tiết.
Như vậy, để tận hưởng những ngày Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình, bệnh nhân tiểu đường cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động và dùng thuốc đều đặn để thật khỏe mạnh với mức đường huyết ổn định trong những ngày xuân.