5 lời khuyên để có một trái tim khỏe mạnh
Hãy giữ một trái tim khỏe mạnh để nó có thể "đập chung một nhịp" với "người ấy".
1. Tập thể dục đều đặn
Chơi quần vợt, đi xe đạp, đi bộ cũng cải thiện sức khỏe tim mạch. Các bài tập làm nhịp đập nhanh hơn sẽ làm giảm các nguy cơ về tim như huyết áp cao và cholesterol. Nên rèn luyện thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày ở cường độ phù hợp.
2. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Bổ sung các chất béo không bão hòa có trong ngũ cốc, các loại hạt, cá hồi, cá thu, cá ngừ,... rất tốt cho tim mạch.
Cắt giảm đường và muối trong chế độ ăn hàng ngày. WHO khuyến cáo mỗi ngày sử dụng ít hơn 5 g muối/ người và 25 g đường/ nữ, 37,5 g đường/ nam.
Duy trì bữa ăn với nhiều cá, rau và trái cây vì hàm lượng chất béo, natri và calo ít. Tránh dùng các thực phẩm chế biến sẵn.
3. Ngủ đủ giấc và tránh tình trạng căng thẳng
Những người trẻ tuổi và trung niên ngủ 7 giờ mỗi đêm ít có dấu hiệu bệnh tim hơn những người chỉ ngủ 5 giờ và người ngủ 9 giờ trở lên.
Học cách giữ cho tinh thần ở trạng thái tốt, tránh căng thẳng và luôn suy nghĩ tích cực không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần mà còn tốt cho sức khỏe tim mạch.
4. Tránh xa thuốc lá và hạn chế thức uống có cồn
Hút thuốc lá nằm trong danh sách những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng xơ vữa động mạch.
Các thức uống có cồn như rượu, bia dễ khiến bạn rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, không tỉnh táo, đôi khi mất tự chủ. Hơn nữa về mặt sức khỏe, các thức uống này chứa nhiều calo, làm bạn tăng cân. Điều này buộc trái tim bạn phải làm việc nhiều hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn. Theo Bộ Y Tế Việt Nam, khuyến cáo sử dụng không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống - tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
5. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ
Việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ sẽ giúp đánh giá các yếu tố nguy cơ bệnh tiềm ẩn, phát hiện sớm, điều trị kiểm soát các bệnh lý mạn tính thường gặp như: đái tháo đường, tăng cholesterol xấu, cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, viêm gan, tiết niệu-thận… và điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp.