Sắt là một khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sinh học của cơ thể, thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, gây mệt mỏi, suy nhược và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Trong bài viết này, hãy cùng Denk Nutrition tìm hiểu chất sắt là gì, chất sắt có tác dụng gì?
Chất sắt là gì?
Chất sắt (Fe) là một trong những khoáng chất đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người, là một nguyên tố phổ biến có trong tự nhiên. Sắt có mặt trong hầu hết các tế bào và tham gia vào quá trình sản xuất hemoglobin, một protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các mô. Ngoài ra, sắt còn tham gia vào việc hỗ trợ miễn dịch và kích thích các enzym hoạt động.
Sắt có hai dạng chính là: sắt heme và non-heme. Trong đó sắt heme được tìm thấy trong các protein có liên quan đến vận chuyển oxy, bao gồm huyết sắc tố và myoglobin. Sắt loại non-heme có thể được tìm thấy trong các protein liên quan đến quá trình phosphoryl hóa oxy hóa và trong các protein lưu trữ sắt như transferrin và ferritin. Cả hai loại sắt này đều cần thiết cho cơ thể, nhưng khả năng hấp thu của chúng khác nhau.
Vai trò của sắt với cơ thể
Điều trị thiếu máu
Thiếu sắt là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu máu, khi cơ thể không có đủ sắt để đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu để vận chuyển oxy. Điều này có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi, yếu đuối và da xanh xao. Bổ sung sắt có thể giúp phục hồi mức độ hemoglobin và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Cải thiện nhận thức
Nghiên cứu cho thấy sắt có tác động đến chức năng não bộ, tăng cường sự phát triển của não. Khoáng chất này hỗ trợ việc cung cấp oxy từ máu đến các cơ quan, trong đó não sử dụng khoảng 20% lượng oxy trong máu, nên sắt liên quan trực tiếp đến sức khỏe và các chức năng của não. Việc cung cấp đủ sắt giúp cải thiện khả năng nhận thức và ngăn ngừa rối loạn thần kinh. Vì vậy, vai trò của sắt đối với chức năng não là rất quan trọng.
Cải thiện tâm trạng
Sắt cũng có mối liên hệ với tâm trạng và cảm xúc. Sắt là vi chất quan trọng trong tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, norepinephrine và serotonin. Những chất dẫn truyền này sẽ giúp não hoạt động tốt hơn, tạo sự hưng phấn, duy trì tâm trạng thoải mái theo hướng tích cực
Tăng cường hệ miễn dịch
Sắt là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nó giúp sản xuất các tế bào miễn dịch, từ đó tăng cường khả năng chống lại các bệnh tật. Đặc biệt, trong giai đoạn cơ thể bị nhiễm trùng, nhu cầu sắt thường tăng cao, do đó việc cung cấp đủ sắt là rất cần thiết.
Giảm mệt mỏi
Thiếu sắt có thể gây ra cảm giác mệt mỏi và thiếu sức sống. Bằng cách bổ sung sắt, cơ thể sẽ có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Việc duy trì mức độ sắt hợp lý cũng giúp cải thiện sức bền trong các hoạt động thể chất.
Điều chỉnh thân nhiệt
Sắt đóng vai trò trong việc điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, giúp chức năng của enzym và các quá trình trao đổi chất trong cơ thể có thể diễn ra trong môi trường nhiệt độ tối ưu và hiệu quả nhất.
Hỗ trợ sức khỏe thai kỳ
Trong thai kỳ, nhu cầu sắt của người mẹ cần gấp đôi lượng sắt so với bình thường để tạo thêm các tế bào hồng cầu. Các tế bào hồng cầu này giúp mang oxy đến các cơ quan và mô của cơ thể mẹ, cũng như đến thai nhi. Việc bổ sung sắt là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, giúp giảm nguy cơ sinh non và các biến chứng khác.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể bị thiếu sắt
Các triệu chứng thiếu sắt thường không rõ ràng, nhưng có thể bao gồm:
- Mệt mỏi và uể oải.
- Da nhợt nhạt, xanh xao.
- Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
- Khó thở, hơi thở gấp.
- Móng tay giòn, tóc khô, dễ gãy rụng.
Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra và bổ sung sắt cần thiết.
Liều lượng sắt cần thiết mỗi ngày
Liều lượng sắt cần thiết mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Theo khuyến nghị:
- Trẻ em (1-3 tuổi): 7 mg/ngày.
- Trẻ em (4-10 tuổi): 10 mg/ngày.
- Nam giới trong độ tuổi dậy thì: 12mg/ngày.
- Nam giới trưởng thành: 8 mg/ngày.
- Phụ nữ trưởng thành: 18 mg/ngày (đối với phụ nữ mang thai, liều lượng có thể lên đến 27 mg/ngày).
Việc bổ sung sắt từ thực phẩm tự nhiên là cách tốt nhất, nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các sản phẩm bổ sung.
Tác dụng phụ khi sử dụng
Mặc dù sắt rất cần thiết cho cơ thể, nhưng việc bổ sung với liều lượng không phù hợp hoặc lạm dụng trong thời gian dài là nguyên nhân hình thành những tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:
- Co thắt dạ dày, đau hoặc khó chịu dạ dày, nôn mửa.
- Táo bón hoặc tiêu chảy (rất phổ biến).
- Phân đậm màu, xanh hoặc đen.
- Chán ăn.
- Sốt.
- Các phản ứng nặng dị ứng (phát ban, nổi mề đay, ngứa, khó thở, tức ngực, sưng miệng).
- Tổn thương gan nếu dùng quá nhiều trong thời gian dài.
Do đó, trước khi bắt đầu bổ sung sắt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liều lượng an toàn và hiệu quả.
Lưu ý:
Như vậy, chất sắt không chỉ là một khoáng chất cần thiết mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe. Bài viết trên đã nêu ra chất sắt là gì, tác dụng của chất sắt. Để đảm bảo cơ thể luôn đủ sắt, hãy chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Hãy thường xuyên theo dõi Website Denk Nutrition – Thực phẩm chức năng của Đức để có thể cập nhật những bài kiến thức sức khỏe hữu ích bạn nhé.
Nguồn:
- verywellhealth: What Are The Health Benefits of Iron Supplements?
- tamanhhospital: Chất sắt là gì? Tác dụng và lượng sắt cần bổ sung mỗi ngày
- webmd: What You Need to Know About Iron Supplements