Axit folic là loại vitamin thiết yếu mà mọi người đều cần. Đối với phụ nữ sẽ hoặc đang mang thai, axit folic đặc biệt quan trọng. Axit folic bảo vệ thai nhi khỏi những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, cũng như duy trì sức khỏe thai kỳ cho người mẹ. Axit folic có thể được nhận từ thực phẩm tự nhiên hoặc thực phẩm chức năng. Vậy hàm lượng acid folic cho bà bầu bao nhiêu là phù hợp? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết.
Tác dụng của acid folic đối với bà bầu và thai nhi
Đối với mẹ bầu
Axit folic đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh các tế bào hồng cầu bình thường. Nếu phụ nữ mang thai không cung cấp đủ axit folic có thể dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu folate. Xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, khó thở và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như tăng nguy cơ sảy thai, rong huyết hoặc mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh.
Đối với thai nhi
Axit folic bảo vệ thai nhi khỏi các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng gọi là dị tật ống thần kinh. Thông thường, những dị tật bẩm sinh này xảy ra sau 28 ngày kể từ ngày thụ thai, thường là trước khi người phụ nữ biết mình có thai. Axit folic cũng có thể giúp ngăn ngừa các loại dị tật bẩm sinh khác như nứt đốt sống, thoát vị não, dị tật tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch.
Thực phẩm giàu axit folic an toàn cho mẹ bầu
Mẹ bầu có thể bổ sung axit folic thông qua thực phẩm tự nhiên, những thực phẩm sau đây rất giàu axit folic, cũng là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng đảm bảo cho mẹ bầu khỏe mạnh trong suốt thai kỳ và đây là những thực phẩm rất dễ tìm kiếm:
- Rau lá màu xanh đậm: cải bó xôi (rau chân vịt hoặc rau bina), súp lơ xanh, cải xanh, cải ngọt, diếp cá;
- Trái cây họ quýt: cam, bưởi, quýt, chanh;
- Các loại đậu: đậu nành, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu que;
- Lòng đỏ trứng;
- Quả bơ;
- Chuối;
- Các sản phẩm từ lúa mì: bánh mì, bánh quy giòn, mì ống.
Hàm lượng acid folic cho bà bầu
Nên bổ sung acid folic cho mẹ bầu từ lúc nào?
Dị tật bẩm sinh xảy ra trong vòng 3-4 tuần đầu của thai kỳ. Vì vậy, điều quan trọng là phải có folate trong cơ thể bạn trong giai đoạn đầu khi não và tủy sống của bé đang phát triển. Do đó, nếu bạn đang có kế hoạch mang thai thì bạn nên bắt đầu sử dụng acid folic ít nhất một tháng trước khi sinh và tiếp tục sử dụng mỗi ngày để đảm bảo đủ lượng acid folic cần cung cấp cho thai nhi và mẹ bầu. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung axit folic càng sớm càng tốt trước khi mang thai, tốt nhất là bổ sung mỗi ngày thông qua thực phẩm tự nhiên hoặc thực phẩm chức năng có chứa axit folic.
Bà bầu bổ sung 800mcg axit folic được không?
Câu trả lời là được. Theo khuyến nghị, tất cả phụ nữ cần 400 microgram axit folic mỗi ngày. Tuy nhiên, phụ nữ có thể mang thai hoặc đang mang thai nên bổ sung 400 đến 800 microgam axit folic để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh và sinh non. Hơn nữa, bạn không nên bổ sung quá 1.000 microgram axit folic mỗi ngày, trừ khi bác sĩ kê đơn. Quá nhiều axit folic có thể che giấu dấu hiệu thiếu vitamin B12, có thể gây tổn thương thần kinh. Nếu bạn đã sinh con bị dị tật ống thần kinh, bạn có thể cần liều axit folic cao hơn trong những tháng chuẩn bị mang thai lần tiếp theo và trong vài tháng đầu của thai kỳ. Bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn liều lượng phù hợp.
Bạn cũng có thể cần liều axit folic cao hơn nếu bạn:
- Bệnh thận và đang chạy thận nhân tạo.
- Bệnh hồng cầu hình liềm.
- Bệnh gan.
- Uống nhiều hơn một đồ uống có cồn mỗi ngày.
- Dùng thuốc để điều trị bệnh động kinh, tiểu đường loại 2, bệnh lupus, bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn hoặc bệnh viêm ruột.
Trong suốt giai đoạn thai kỳ, bà bầu cần bổ sung các vitamin và dưỡng chất cần thiết để thai nhi phát triển khỏe mạnh, những chất không thể thiếu trong suốt thai kỳ là axit folic, calci và DHA. Những dưỡng chất quan trọng này giúp cho thai nhi của bạn khỏe mạnh, thông minh và hạn chế nguy cơ dị tật.
Lưu ý khi sử dụng acid folic cho mẹ bầu
Acid folic khá an toàn khi dùng ở liều thích hợp, bổ sung acid folic qua đường uống an toàn với cơ thể, nhưng vẫn cần lưu ý một số điều:
- Thời điểm thích hợp để uống thực phẩm chức năng chứa acid folic cho bà bầu là khoảng cách nghỉ giữa hai bữa ăn. Tuyệt đối không uống cùng với rượu, trà hoặc cà phê bởi những chất này có thể làm giảm khả năng hấp thụ axit folic
- Để hấp thụ acid folic, sắt và các vi chất tốt nhất, nên uống cùng nước cam hoặc các loại nước trái cây giàu vitamin C.
- Không nên uống acid folic và sắt vào buổi tối vì có thể gây khó ngủ.
- Tác dụng phụ khi uống acid folic là táo bón, do đó mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây và uống nhiều nước để phòng ngừa táo bón khi mang thai.
Lưu ý:
Nếu bạn sắp mang thai, hãy cân nhắc bổ sung vitamin, đặc biệt là acid folic dành cho bà bầu vào thói quen hàng ngày của bạn. Đừng đợi cho đến khi bạn biết mình có thai mới quan tâm nghiêm túc đến axit folic, lúc đó có thể đã muộn. Bổ sung đủ hàm lượng acid folic cho bà bầu trước và trong khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh và sinh non. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm chứa acid folic nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng bạn đang hành động đúng và an toàn nhất cho sức khỏe của mình.
Hãy thường xuyên theo dõi website Denk Nutrition - Thực phẩm chức năng của Đức để có thể cập nhật thêm những bài kiến thức sức khỏe hữu ích bạn nhé.
Nguồn
- Office on Women’s Health: Folic acid.
- Healthline: Folic Acid and Pregnancy: How Much Do You Need?
- Tam Anh Hospital: BỔ SUNG ACID FOLIC CHO BÀ BẦU BAO NHIÊU LÀ ĐỦ? KHI NÀO CẦN UỐNG?
Xem thêm: