Vitamin B12 được hấp thu vào cơ thể ở mức tương đối thấp, nếu bạn không có một chế độ ăn đầy đủ thực phẩm có chứa vitamin B12 hoặc cơ thể bạn gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin B12, sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu hụt loại vitamin này. Nếu không có những chất dinh dưỡng này, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào hồng cầu quá lớn và không hoạt động bình thường, dẫn đến làm giảm khả năng vận chuyển oxy của chúng. Do đó, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến cơ thể thiếu vitamin B12, cũng như việc cơ thể thiếu vitamin B12 gây bệnh gì. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức cho sức khoẻ của bản thân và gia đình.
Nguyên nhân thiếu vitamin B12
Ăn kiêng
Chế độ ăn bao gồm thịt, cá và các sản phẩm từ sữa thường cung cấp đủ vitamin B12, nhưng những người không ăn được hoặc áp dụng chế độ ăn kiêng không có các thực phẩm này có thể bị thiếu hụt, vì vậy họ cần phải bổ sung vitamin B12.
Những người ăn thuần chay và không ăn thực phẩm tăng cường vitamin B12 cũng có nguy cơ mắc bệnh. Một số thực phẩm đã được tăng cường để bổ sung vitamin B12 có thể tham khảo sử dụng cho người ăn chay như một số loại ngũ cốc ăn sáng và một số sản phẩm men dinh dưỡng.
Thiếu máu ác tính
Thiếu máu ác tính là một tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng đến dạ dày của bạn. Tình trạng tự miễn dịch có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn, thay vì bảo vệ chống lại bệnh tật và nhiễm trùng thì chúng lại tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể bạn.
Vitamin B12 được kết hợp với một loại protein gọi là yếu tố nội tại (IF) trong dạ dày của bạn. Phức hợp vitamin B12 và yếu tố nội tại này sau đó được hấp thụ vào cơ thể tại một phần của ruột. Thiếu máu ác tính khiến hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các tế bào trong dạ dày (tế bào tạo ra yếu tố nội tại), dẫn đến việc thiếu đi yếu tố nội tại để kết hợp với vitamin B12, do đó cơ thể bạn không thể hấp thụ được vitamin B12.
Phẫu thuật dạ dày
Cơ thể bạn cũng không thể hấp thụ B12 nếu toàn bộ hoặc một phần dạ dày hoặc ruột non của bạn bị cắt bỏ. Nếu một phần dạ dày hoặc ruột của bạn đã được phẫu thuật cắt bỏ, điều đó có thể làm giảm lượng yếu tố nội tại được tạo ra và lượng không gian dành cho vitamin B12 được hấp thụ. Ví dụ như bạn phẫu thuật để giảm cân, ung thư hoặc các tình trạng sức khỏe khác.
Vấn đề về đường ruột
Một số tình trạng sức khoẻ nhất định ảnh hưởng đến đường ruột của bạn cũng có thể khiến cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng vitamin B12 cần thiết, bao gồm:
- Bệnh viêm ruột (IBD), chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng;
- Bệnh celiac.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể làm giảm nồng độ vitamin B12, đặc biệt nếu sử dụng chúng trong thời gian dài, bao gồm các loại thuốc trị:
- Chứng ợ nóng: Những loại thuốc này có thể ngăn chặn axit dạ dày hỗ trợ hấp thụ vitamin B12 (thuốc ức chế bơm proton và chất chủ vận thụ thể H2).
- Bệnh tiểu đường: Các chuyên gia cho rằng sử dụng metformin lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề kém hấp thu.
- Động kinh: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ vitamin B12.
- Nhiễm trùng: Một loại kháng sinh gọi là chloramphenicol có thể gây ra vấn đề về hấp thu vitamin B12.
Thiếu vitamin B12 gây bệnh gì?
Thiếu máu hồng cầu khổng lồ
Thiếu vitamin B12 sẽ gây ra thiếu máu, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu vitamin B12 rất dễ bị nhầm lẫn với tình trạng thiếu ngủ, làm việc quá sức hoặc tâm lý căng thẳng. Nếu tình trạng này kéo dài và không thuyên giảm thì bạn cần kiểm tra nồng độ vitamin B12 trong máu.
Tổn thương hệ thần kinh
Khi thiếu hụt vitamin B12 sẽ gây ra tình trạng suy nhược, tổn thương hệ thần kinh. Nguy hiểm hơn, thiếu vitamin B12 còn gây thoái hóa tủy sống, dây thần kinh ngoại biên và dây thần kinh thị giác, xuất hiện triệu chứng tê bì chân tay.
Giảm thị lực
Thiếu vitamin B12 ảnh hưởng đến hoạt động và các chức năng của dây thần kinh thị giác, người bệnh sẽ bị suy giảm thị lực. Tình trạng này dễ gặp ở những người bị suy dinh dưỡng hoặc người có chế độ ăn thuần chay không tiêu thụ bất cứ thực phẩm từ nguồn động vật nào.
Rối loạn tiêu hóa
Thiếu vitamin B12 gây ra nhiều vấn đề rối loạn tiêu hóa như gây tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, nếu những triệu chứng này không điều trị sẽ trở thành bệnh mãn tính. Để điều trị, cần bổ sung tăng cường vitamin B12 bằng thực phẩm chức năng, nếu không có hiệu quả thì người bệnh bắt buộc phải tiêm bổ sung dưới sự giám sát của bác sĩ.
Thiếu vitamin B12 gây loãng xương
Vitamin B12 đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nguyên bào và tế bào cấu tạo xương. Do đó, thiếu hụt vitamin B12 sẽ ảnh hưởng đến chức năng và dẫn đến tình trạng loãng xương. Loãng xương là một biểu hiện của tình trạng xương yếu, giòn và rất dễ gãy chủ yếu do thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Các bệnh lý tiềm ẩn ở người già
Theo ước tính có đến 10 – 15% người trên 60 tuổi sẽ bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt vitamin B12. Những người bị thiếu hụt các dưỡng chất và sức khỏe suy giảm sẽ khiến lượng vitamin B12 trong cơ thể giảm xuống. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi lại không có các biểu hiện hay triệu chứng cơ bản mà thường xảy ra rất thầm lặng.
Điều trị thiếu vitamin B12
Thay đổi chế độ ăn uống
Nếu bạn được chẩn đoán thiếu vitamin B12, bước đầu tiên trong điều trị là thay đổi chế độ ăn uống. Tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin B12 như thịt, cá, trứng, và sữa. Đối với người ăn chay, các loại thực phẩm chức năng chứa vitamin B12 là lựa chọn hợp lý.
Bổ sung vitamin B12 bằng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc bổ sung vitamin B12 dưới dạng viên uống. Liều lượng và thời gian sử dụng sẽ được điều chỉnh dựa trên mức độ thiếu hụt và phản ứng của cơ thể với việc điều trị.
Tiêm vitamin B12
Trong những trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm vitamin B12 trực tiếp vào cơ thể. Phương pháp này giúp cơ thể hấp thụ nhanh chóng và hiệu quả, đặc biệt là đối với những người có vấn đề về hấp thụ vitamin B12 qua đường tiêu hóa.
Điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn
Nếu thiếu vitamin B12 là do các vấn đề sức khỏe khác như bệnh celiac, bệnh Crohn, hoặc các vấn đề về dạ dày, việc điều trị các bệnh nền này cũng rất quan trọng. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị tổng thể để đảm bảo bạn nhận được lượng vitamin B12 cần thiết.
Lưu ý:
Vitamin B12 là một loại vitamin thiết yếu cơ thể cần có, thiếu vitamin B12 là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gây ra nhiều bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc bổ sung sai cách dẫn đến thừa vitamin B12 hoặc thiếu vitamin B12 đều không có lợi cho sức khỏe. Nhận biết sớm các nguyên nhân thiếu vitamin B12, hiểu rõ cơ thể thiếu vitamin B12 sẽ gây ra bệnh gì, thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời sẽ giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Hãy thường xuyên theo dõi website Denk Nutrition - Thực phẩm chức năng của Đức để có thể cập nhật thêm những bài kiến thức sức khỏe hữu ích bạn nhé.
Nguồn
- WedMD: What Can Cause a B12 Deficiency?
- NHS: Vitamin B12 or folate deficiency anaemia.
Xem thêm:
Thiếu vitamin B12 và acid folic gây thiếu máu