Amino acid là đơn phân cấu tạo nên đại phân tử protein – thành phần cấu trúc có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Trong tự nhiên hiện có khoảng hơn 20 loại acid amin, trình tự các chuỗi acid amin khác nhau sẽ tạo ra các loại protein khác nhau tương ứng với chức năng khác nhau, trong đó tryptophan (L-tryptophan) là một trong chín acid amin thiết yếu cơ thể con người bắt buộc phải hấp thu từ nguồn thực phẩm bên ngoài.
Một chế độ ăn uống đầy đủ chất sẽ góp phần tạo nên một cơ thể khoẻ mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn dường như đang bị xem nhẹ khi mọi người không thật sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn. Điều này khiến cho cơ thể không có đủ các chất cần thiết, hậu quả là tình trạng sức khoẻ giảm sút, đặc biệt là thiếu L-tryptophan có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc và giấc ngủ.
Tryptophan là gì?
Tryptophan (L-tryptophan) là thành phần rất quan trọng cho cả quá trình tổng hợp protein, đồng thời L-tryptophan cũng là tiền chất của niacin, serotonin và các chất chuyển hóa khác.
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ bào chế, L-tryptophan đã được bào chế thành thuốc hoặc thực phẩm chức năng dưới nhiều dạng bào chế khác nhau mang tính tiện lợi hơn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cũng như điều trị bệnh.
Vai trò của L-tryptophan đối với cơ thể
Tiền chất tạo nên serotonin
Sau khi hấp thụ L-tryptophan, cơ thể chuyển đổi một phần thành 5-HTP và sau đó thành serotonin.
Serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh monoamine, tham gia truyền tín hiệu trong hệ thần kinh của sinh vật. Nó rất cần thiết trong việc phối hợp vận động và điều hòa tâm trạng. Những thay đổi về nồng độ serotonin trong não có thể ảnh hưởng đến tâm trạng.
Sử dụng L-tryptophan làm giảm nhẹ các triệu chứng cho phụ nữ bị rối loạn tiền kinh nguyệt (PMS) nghiêm trọng, trầm cảm, mất ngủ và nhiều tình trạng khác, nhưng rất ít bằng chứng khoa học nào hỗ trợ cho tác dụng từ việc bổ sung tryptophan từ dược phẩm.
Ức chế tình trạng viêm ruột
Tryptophan có trong thức ăn có thể làm giảm tổn thương viêm ruột thông qua việc ức chế Nucleotide-Binding Oligomerization Domain, Leucine-Rich Repeat và Pyrin Domain-Containing 3, được trung gian bởi các chất chuyển hóa tryptophan.
Ngoài ra, có các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tryptophan có thể làm thay đổi thành phần hệ vi sinh vật đường ruột, làm tăng số lượng lợi khuẩn cho đường ruột. Do đó, bổ sung tryptophan có thể là một lựa chọn tốt để bảo vệ và nâng cao sức khỏe đường ruột.
Thực phẩm giàu L-tryptophan
Các loại thực phẩm giàu L-tryptophan phổ biến thường gặp như:
Thịt gia cầm
Thịt gia cầm (gà, vịt) là một lựa chọn tốt cho tryptophan, đồng thời nó cũng chứa ít chất béo, phù hợp cả với những người ăn kiêng.
Trứng
Trứng là một nguồn dinh dưỡng dồi dào tryptophan, vitamin A, B12 và selen. Theo nghiên cứu được xuất bản bởi Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ đã chỉ ra lòng đỏ trứng cũng là một nguồn cung cấp choline - một chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong thai kỳ.
Cá hồi
Cá hồi thường được biết đến thông qua việc cung cấp acid béo, omega-3 và vitamin D có lợi cho cơ thể. Ngoài ra, cá hồi cũng là một thực phẩm rất giàu tryptophan.
Các loại hạt
Hạt là một nguồn tryptophan đặc biệt thích hợp cho những người ăn chay và thuần chay hoặc người có thể không ăn được một số loại thực phẩm khác trong danh sách này.
Bí ngô, hạt lanh và hạt chia có thể dễ dàng được thêm vào món salad, sữa chua và ngũ cốc, cung cấp chất chống oxy hóa, chất xơ và vitamin.
Quả óc chó
Quả óc chó cũng sẽ giúp bạn tăng mức serotonin vì chúng chứa tryptophan. Chúng cũng là một nguồn quan trọng của chất béo không bão hòa đơn, protein và một số khoáng chất và vitamin quan trọng cho hoạt động bình thường của cơ thể.
Sản phẩm từ đậu nành
Một thực phẩm quan trọng khác cho người ăn chay và thuần chay là các sản phẩm làm từ đậu nành. Đậu phụ, sữa đậu nành hoặc nước tương đều là những nguồn cung cấp tryptophan.
Sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa cũng có thể cung cấp tryptophan. Chúng cũng là một nguồn cung cấp canxi và vitamin A, D và E.
Thận trọng khi dùng L-tryptophan
Mang thai
Khi dùng L-tryptophan với số lượng lớn hơn lượng có trong thực phẩm khi mang thai có thể không an toàn cho thai nhi.
Cho con bú
Chưa có đủ bằng chứng khoa học đáng tin cậy về việc sử dụng L-tryptophan đối với phụ nữ cho con bú, cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng.
Năm 1989, L-tryptophan được cho là có liên quan đến các trường hợp mắc bệnh thần kinh gọi là hội chứng đau cơ-bạch cầu ái toan (EMS), cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ngừng cấp phép lưu hành đối với dược phẩm bổ sung tryptophan sau khi mười nghìn người sử dụng mắc EMS và một số trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau đó cho rằng, khoảng 95% tất cả các trường hợp EMS đều có nguồn gốc từ L-tryptophan do một nhà sản xuất ở Nhật Bản sản xuất đã không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, FDA đã cho phép lưu hành trở lại.
Tác dụng phụ khi dùng L-tryptophan
Việc sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ:
- Nhìn mờ.
- Chóng mặt.
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Nổi mề đay.
- Buồn nôn.
- Tim đập mạnh.
- Đổ mồ hôi.
- Run cơ.
Tương tác với thuốc
Thuốc an thần (thuốc ức chế thần kinh trung ương) hoặc các loại thảo mộc có đặc tính an thần
L-tryptophan có thể gây buồn ngủ và thở chậm. Do đó, dùng L-tryptophan cùng với thuốc an thần có thể gây khó thở và/hoặc buồn ngủ quá nhiều.
Ví dụ về các chất bổ sung có tác dụng này bao gồm hoa bia, kava, melatonin và valerian
Thuốc tác động lên serotonin hoặc các loại thảo mộc có đặc tính serotonergic
L-tryptophan có thể làm tăng chất hóa học trong não gọi là serotonin. Một số loại thuốc cũng có tác dụng này. Dùng L-tryptophan cùng với các loại thuốc có tác dụng làm tăng serotonin sẽ dẫn đến hàm lượng serotonin quá nhiều. Điều này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm các vấn đề về tim, co giật và nôn mửa.
Lưu ý:
L-tryptophan mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách và hợp lý. Tuy nhiên, việc hiểu rõ về vai trò, các thực phẩm giàu tryptophan, và nắm rõ các tác dụng phụ, cũng như tương tác với các loại thuốc hoặc thảo dược là vô cùng cần thiết. Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, hãy tìm hiểu thật kỹ hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe của bạn.Hãy thường xuyên theo dõi website Denk Nutrition để có thể cập nhật thêm những bài kiến thức sức khỏe hữu ích bạn nhé.
Nguồn:
- MedlinePlus: L-tryptophan
- Sainio EL, Pulkki K, Young SN. L-Tryptophan: Biochemical, nutritional and pharmacological aspects. Amino Acids. 1996 Mar;10(1):21-47.
- Delong Li, Fumin Tan, Carol Sze Ki Lin, Yunguo Liu, Jingjing Liu, Cuijuan Gao, Advances in the metabolic engineering of Escherichia coli for the production of serotonin and its precursor, tryptophan, Biochemical Engineering Journal, Volume 208, 2024, 109360, ISSN 1369-703X
- Dandan Ma, Shaoshuai Zhang, Minhong Zhang, Jinghai Feng, Dietary tryptophan alleviates intestinal inflammation caused by long photoperiod via gut microbiota derived tryptophan metabolites-NLRP3 pathway in broiler chickens, Poultry Science, Volume 103, Issue 4, 2024, 103509, ISSN 0032-5791